Một chuyến trên phá Hạc Hải.
01-04-2024
Chuyển đi này hấp dẫn tôi bởi câu “ Đầu mâu vi bút, Hạc hải vi nghiên” và một lẻ nữa là những người bạn đã có những bước khởi đầu ở đây để thổi sống lên vùng đất này. Thuyền đón chúng tôi từ bến Mới, xã Hồng thủy, theo kênh đào hướng về phía tây khoảng hơn 1km thì gặp sông Kiến giang. Đoạn này sông mở rộng, ngang khoảng 200m, nước màu xanh thẩm ở giữa dòng – có thể khá sâu. Địa hình vùng này như hình lòng chảo cao dần ra các phía. Phía đồng, xa xa là những đụn cát trải dài dọc biển, cao chừng 12 đến 30m. Phía này kể từ nam ra bắc lần lượt xã Hồng thủy, và Gia Ninh. Phía tây có những cánh đồng trải rộng, xa hơn là những rặng núi cao dưới 300m, đó thuộc địa phận xã Hoa Thủy và Vạn Ninh. Ngược dòng lên phía Nam là vùng chiêm trũng thuộc xã An Thủy, Lộc Thủy. Xuôi dòng về bắc hợp với dòng Long Đại để đổ ra sông mẹ - Nhật Lệ.
Bần một loại cây ngập mặn còn sót lại. Ảnh Văn Trí Võ
Ngược xuôi trên phá, bắt gặp hai bên lác đác ít cây xanh, ngập nước. Xem kỹ đó là những cá thể cây bần, to và dường như đã sống hơn trăm năm về trước. Nhìn những cây bần, tôi nhớ đến của những cánh rừng ngập mặn ở Xuân Thủy – Nam Định hay vùng đất mũi Cà Mau mà tôi có dịp đến thăm. Trí tôi chợt hỏi, có phải nhiều năm về trước ở chính nơi đây là một vùng rừng ngập mặn bát ngát cây bần, cây đước, cây mắm, sú vẹt với chim bầy, cá đàn. Có lẽ những ghi chép về Hạc Hải, đâu đó nằm trong cổ sử chăng. Lục trong Ô châu cận lục của Dương Văn An dưới thời Mạc Phúc Nguyên, năm1555, chép “Thiển Hải - từ các nguồn An Sinh, Cẩm Ly thuộc huyện Lệ Thủy rót xuống, trăm sông tụ hội, mọi dòng đổ về, còn gọi là Hạc Hải (biển cạn). Phía đông bắc thì biển xanh bát ngát, cồn cát chập chùng, phía tây nam thì núi non xếp thành bình phong, giăng ra như kiếm bích. Nước mênh mông như biển bạc, trong veo như ruộng ngọc. Hàu cá sinh sôi, cò le bay lội. Ghe tiều, thuyền chài giong buồm chèo chống thong dong giữa núi hồ, chở đầy trăng gió, hẳn nhiên đã là cảnh giới Ngũ Hồ… Nhưng hồ này bao la vạn khoảnh, bốn phía mênh mông đầy những gò cạn, gò sâu. Ở giữa chỉ có một luồng rất sâu, ghe thuyền qua lại về đêm thường khó khăn”. Cuốn Ðại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, thời Tự Đức, 1882, có đoạn: "Phá Thạch Bàn: Ở cách huyện Lệ Thủy 14 dặm về phía bắc, có tên là Thiển Hải, cũng gọi là Bình Hồ, do nước từ các nguồn Yên Sinh và Cẩm Ly đổ về, trăm sông tụ hội, mọi nhánh đổ về, gọi là Hạc Hải, phía đông bắc từng động cát chập chồng, phía tây bắc vạn núi chắn ngang, chỗ sâu chỗ cạn, có một đường lạch rất sâu, thuyền bè đi lại cần phải đề phòng sóng gió; hạ lưu hợp với sông Mỹ Hương rồi đổ ra biển". Còn trong An Nam chí, ghi “ Thiền Hải ở huyện Nha Nghi, sống nước mêng mông, cây lau rậm rạp, chim nước nổi chìm, chài tụ tán, có thể làm nơi du ngoạn của một phương”. Quả là người xưa đã mô tả, ghi chép dù chưa tận tường, chưa cụ thể nhưng qua đó chúng ta cũng hình dung được miền sông nước, với cảnh quan sinh thái của một vùng rừng ngập nước, giàu có về sản vật, là tuyến giao thông đường thủy, là vùng sinh kế của người dân, cũng là nơi đáng để du ngoạn và là một vùng địa lý rất đặc biệt nằm ở phía Nam của nước Việt vào thế kỷ 14 và sau này là miền Trung.
Hoàng hôn trên phá Hạc Hải - Ảnh Văn Trí Võ
Qua những vùng nước, những cánh đồng sau mùa gặt, với tôi Hạc hải giờ đây như bồn chứa nước nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo. Bởi con đập Mỹ Trung với mục đích ngăn mặn đã cản trở nhịp đập tự nhiên. Độ mặn của nước ở đây rất thấp chỉ khoảng phần ngàn, điều này dẫn đến hệ sinh thái biến đổi mạnh mẽ. Những loài thực vật chỉ thị cho vùng ngập mặn thường thích hợp độ mặn từ 15 – 25%. Có lẽ quá trình ngọt hóa cùng với khai thác của con người mà thảm thực vật giờ rất khiêm tốn, dọc bên sông rất ít những cây bần, cây mắm…. đâu đó còn lại những cụm lau, cây cỏ. Một khi mà sinh cảnh bị mất thì chắc chắn các loài động vật không có chỗ trú ngụ, dẫn dà chuỗi thức ăn bị phá vỡ, các loài khó tìm được nơi sống, thứ ăn. Theo kể lại, ngày xưa nơi đây từng là cái vựa của chim trời, cá bể, mùa nào cũng có, sinh kế của người dân nhờ vào đó mà no đủ, người đi làm về tranh thủ một lúc cũng đủ tôm, cá cho cả nhà ăn một bữa. Chỉ cần tìm một nơi, thả một tay lưới xuống phá là mất cả tiếng đồng hồ ngồi gỡ cá. Nhiều khi cua sốc nước bò cả vào vườn nhà. Còn rạm thì kết thành từng bè rộng mấy chục mét vuông không mấy ai đụng đến. Có lẽ lúc đó vùng này là một khu rừng, nơi lý tưởng cho các loài nước lợ trú ẩn, sinh sôi. Có lẽ Hạc hải mà người xưa ví như cái nghiên mực, nơi sinh sống vô số loài ngập nước, giờ rất khác nhưng hình thể thiên nhiên vẫn còn để ta hoài niệm, và vun vén.
Lai ra cùng những người gắn bó với Hạc Hải, yêu quý vùng đất này, chúng tôi nhem nhóm những ý tưởng để chim trời lại về, cá bể làm nơi trú ngụ, là nơi cho thế trẻ hiểu thêm thiên nhiên. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về sinh thái, thủy văn, địa chất, văn hóa, để tư vấn sâu hơn về cách tiếp cận, cách làm, làm sao cho Hạc hải tìm về với chính mình.
Văn Trí Võ
Bình luận
Xem bình luận của khách hàng (Tổng cộng 2)
Hoàng Thông
13-05-2024
Loc Tran
11-04-2024
Blog tương tự
19-08-2024