Một ngày tắm rừng Rú Lịnh
10-04-2025
Tôi biết đến Rú Lịnh cũng đã lâu, một khu rừng nguyên sinh nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, gần Địa đạo Vĩnh Mốc – một công trình dưới lòng đất trong thời ký chống Mỹ của người dân Việt Nam. Tôi có cơ duyên đến Rú Lịnh, gặp chị Giang - một người yêu Rú Lịnh, từng là giảng viên đại học, về với Rú Lịnh.
Vào dịp tháng 10 âm lịch, mùa này Rú Lịnh có lắm nấm mối. Giang đi quanh quanh kiếm không lâu được một ít nấm, cùng với rau rừng có sẵn, thế là có ngay được một dĩa nấm mang hương vị rất phê – nấm mối chắc chắn là vua của các loại nấm.
Hái nấm mối. Ảnh Tuệ Minh
Rú Lịnh nằm ở Vĩnh Linh, Quảng Trị là vùng đất giao thoa – nơi rừng núi Trường Sơn đổ dốc về phía biển, nơi đất đỏ bazan gặp phù sa cát mịn, nơi gió Lào khô rát xen kẽ những trận mưa dầm từ biển Đông. Trải rộng trên các đồi núi, phù hợp để giữ chân các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu. Trong khi đó, vùng cát pha và đất phù sa ven biển lại cho phép canh tác lúa, hoa màu, cây ngắn ngày.
Cánh rừng giữa lòng đồng bằng
Không ai nghĩ giữa vùng đất đỏ bazan bằng phẳng lại tồn tại một khu rừng rộng khoảng 100 ha, với những cây gỗ lim, gụ lau, sến... cao ngất ngưởng. Tôi đứng dưới gốc một cây cổ thụ, ngửa cổ nhìn lên mà chẳng thấy nổi đỉnh. Vỏ cây xù xì, rêu bám đầy.
Tôi nghe kể rằng, nơi này từng là “kho báu xanh” thời chiến – rừng che chở, nuôi sống dân làng trong bom đạn. Giờ đây, nó vẫn tiếp tục vai trò thầm lặng: giữ nước, điều hòa khí hậu, và lưu giữ hàng chục loài động – thực vật quý hiếm.
Thảm thực vật Rú Lịnh. Nguồn Báo Quảng Trị
Rú lịnh – bảo tàng thiên nhiên sống động
Mặc dù nằm giữa đồng bằng, Rú Lịnh lại sở hữu hệ sinh thái phong phú với nhiều loài cây gỗ quý như lim xanh, gụ lau, sến, trầm dó, trám... Một số cây cổ thụ có thân lớn đến mức tôi không ôm mới xuể.
Về động vật, rừng là nơi sinh sống của hơn 70 loài – từ chim, thú nhỏ đến các loài bò sát – tạo nên một hệ sinh thái cân bằng, sống động.
Cây cổ thụ Rú Lịnh. PNV
Cuộc dạo rừng trở nên đặc biệt hơn khi tôi nghe câu chuyện về loài cây Lasianthus trongii – một phát hiện mới . Nhỏ bé, không ồn ào, nhưng là minh chứng sống động cho sự kỳ diệu của thiên nhiên Rú Lịnh.
Lasianthus trongii là một loại cây bụi, hoa trắng, quả đỏ cam, mọc sâu trong rừng. Nó được đặt theo tên ông Nguyễn Đình Trọng – người dành hơn 40 năm bảo vệ khu rừng này. Gọi là “ông Trọng giữ rừng”, ông là nhân chứng sống cho câu chuyện con người và thiên nhiên gắn bó bền chặt đến thế nào.
Hành trình lắng nghe thiên nhiên
Tôi không đi quá sâu vào rừng, chỉ loanh quanh trên con đường mòn giữa những hàng cây rợp bóng. Vậy mà vẫn nghe thấy đủ loại âm thanh: tiếng chim chào mào ríu rít, tiếng sóc chuyền cành, cả tiếng lá khô xào xạc dưới chân.
Không cần giày leo núi hay kỹ năng sinh tồn. Chỉ cần chậm lại, mở lòng, bạn sẽ thấy Rú Lịnh nói chuyện với mình theo cách riêng.
Rú Lịnh không ồn ào
Rú Lịnh không có các tour du lịch chuyên nghiệp, không biển quảng cáo, không lều trại sẵn sàng cho bạn sống ảo. Nhưng chính vì thế mà nó đáng giá. Nó là nơi dành cho người thật sự muốn tìm về tự nhiên, muốn bước ra khỏi thành phố để nghe tiếng rừng kể chuyện.
Với tôi, một buổi sáng ở Rú Lịnh là quá đủ để thấy lòng mình nhẹ lại. Không phải vì điều gì lớn lao. Chỉ là vì khi bước ra khỏi rừng, tôi thấy mình biết ơn – với người đã giữ rừng, và với chính khu rừng đã giữ lại một phần tự nhiên cho tất cả chúng ta.
Thực vật khép tán
Làm sao để gìn giữ nguyên vẹn giá trị tự nhiên của Rú Lịnh?
Rú Lịnh không cần quá nhiều du khách. Nó cần những người hiểu rằng rừng không phải là nơi để “check-in”, mà là nơi để bước nhẹ, lắng nghe, và tôn trọng.
Giá trị lớn nhất của Rú Lịnh nằm ở chỗ nó còn nguyên vẹn – một cánh rừng nguyên sinh giữa đồng bằng, nơi hệ sinh thái chưa bị xáo trộn. Để gìn giữ những giá trị tự nhiên vốn có của Rú Lịnh cần phải nâng cao ý thức cộng đồng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này trên nguyên tắc bền vững. Mỗi hành động nhỏ của cộng đồng thôi cũng đóng góp vào bảo tồn rừng, ví như: không xả rác, không phá hoại, không làm rừng trở thành nơi náo động.
“Rừng không có hàng rào, nhưng nếu mình không giữ, mai kia cũng chẳng còn gì để giữ nữa.” Và đúng thế thật. Giữ rừng không chỉ là giữ cây, giữ chim, mà còn là giữ lấy một phần của chính chúng ta – phần còn lại của tự nhiên trong tâm trí con người
Tuệ Minh
Bình luận
Xem bình luận của khách hàng (Tổng cộng 3)
Diễm Anh
24-04-2025
Nguyên
23-04-2025
Le Van Minh
14-04-2025
Cùng chuyên mục
26-04-2025
Ánh sáng trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc
20-04-2025