Chuyện kể về Lễ hội Đập trống của người Ma-Coong
08-02-2025
Tôi có nhiều dịp đến vùng núi Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi có nhiều điều lý thú về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của thế giới tự nhiên. Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực đã khám phá nhiều, và được công nhận toàn cầu. Vùng này ngoài những giá trị tự nhiên thì giá trị văn hóa còn nhiều bí ẩn. Do đặc điểm tự nhiên, địa hình chia cắt, nên sống trong một khu vực không rộng lớn là mấy nhưng có đến 9 tộc người; dân tộc Bru- Vân kiều gồm các tộc người Vân kiều, Ma-coong, Trì, Khùa; dân tộc Chứt có người Arem, Rục, Mày, Mã liềng, Sách.
Một trong những điểm đến trong hành trình của tôi đó là nơi cư trú của người Ma-coong. Tộc người này sống khá cách biệt, ở vùng núi Trường Sơn, dọc theo biên giới Việt Lào, cách trung tâm thị Trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khoảng 60km, đi xe ô-tô theo đường 20 khoảng 3 giờ. Người Ma-coong hiện nay định cư trong 18 bản, thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Theo các cao niên kể lại, từ thuở xa xưa, ở vùng đất Thượng Trạch, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, có một nhóm người sinh sống hiền hòa, họ chính là tổ tiên của dân tộc Ma-Coong ngày nay. Những con người ấy, qua bao thế hệ, đã gắn bó với rừng núi, sống nhờ vào nương rẫy, săn bắt và hái lượm. Đời sống tinh thần người Ma-Coong dựa vào thiên nhiên tạo nên tính ngưỡng đa thần làm nền móng văn hóa tâm linh của họ. Và Lễ hội đập trống là một đặc trưng văn hóa thể hiện triết lý sống của người Ma-Coong.
Truyền thuyết về Lễ hội Đập trống
Theo truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa, bản làng Ma Coong sống trong cảnh yên bình, cây cối xanh tươi, mùa màng trù phú, muông thú hiền hòa. Nhưng rồi một năm, tai họa bất ngờ ập đến. Dịch bệnh hoành hành, thú dữ kéo về phá hoại nương rẫy, mùa màng thất bát, khiến dân làng rơi vào cảnh đói khổ, lo sợ. Trong lúc tuyệt vọng, một vị cao niên trong bản đã nằm mộng thấy một bà lão tóc trắng như cước hiện về. Bà lão có dáng vẻ hiền từ nhưng giọng nói đầy quyền uy, bảo rằng bà muốn giúp dân làng thoát khỏi tai ương.
Bà chỉ cho già làng cách lập đàn cúng trời đất, dâng lễ vật để cầu xin sự che chở. Bên cạnh đó, bà còn dặn rằng phải làm một chiếc trống thật lớn để cả bản cùng nhau đập vang. Tiếng trống ấy sẽ xua đuổi tà ma, đẩy lùi dịch bệnh, xua tan bóng tối và nỗi sợ hãi, mang lại sự bình yên và niềm vui cho bản làng.
Tỉnh dậy sau giấc mộng, già làng Ma-Coong lập tức truyền lệnh cho dân bản chuẩn bị lễ vật, dựng đàn cúng theo lời bà lão. Kỳ lạ thay, từ sau ngày ấy, thiên nhiên dần trở lại hiền hòa, dịch bệnh tan biến, thú dữ không còn quấy phá, mùa màng bội thu. Dân làng tin rằng tiếng trống đã thức tỉnh thần linh, giúp họ vượt qua tai ương và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trải qua bao thế hệ, lễ hội đập trống đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Ma Coong, phản ánh niềm tin mãnh liệt vào sự che chở của thần linh và tinh thần đoàn kết của dân tộc sống giữa đại ngàn Trường Sơn.
Rộn ràng Lễ hội
Vào ngày 16 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, núi rừng bản làng người Ma-coong rộn ràng hơn bao hết, âm vang của tiếng trống, tiếng chiêng báo hiệu vào mùa Lễ hội. Đây không chỉ là một nghi lễ linh thiêng để cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mà còn là dịp để trai gái gặp gỡ, hẹn hò, tìm bạn trăm năm.
Nơi tổ chức Lễ hội đập trống thường ở bản Caroòng 1, được xem là đất tổ của người Ma-coong. Tại khoảng sân rộng giữa bản, bà con đã tề tựu đông đủ. Già làng đứng nghiêm trang trước mâm cúng Giàng. Trên mâm cúng là những sản vật của núi rừng: ché rượu cần thơm nồng, con gà trống béo, măng rừng tươi, hoa chuối, ngọn đoác, ngọn mây và những con cá suối bắt từ dòng suối cấm linh thiêng. Già làng khấn vái, gửi gắm ước nguyện của dân bản lên Giàng, mong một năm bình an, no đủ.
Sau khi nghi lễ kết thúc, không khí lễ hội càng trở nên rộn ràng hơn. Mọi người quây quần bên ché rượu cần, cùng nhau uống rượu mừng mùa trăng mới. Giữa sân, chiếc trống lớn được đặt trang trọng, chờ đợi những nhát dùi đầu tiên của Già làng. Tiếp đến một chàng trai Ma- Coong bước lên, giơ cao chiếc dùi trống, dồn hết sức mình giáng mạnh xuống mặt trống. Tiếng trống vang lên, rền vang cả núi rừng. Ngay sau đó, từng người một nối tiếp nhau, từng hồi trống dồn dập hòa cùng tiếng hò reo của dân bản. Trống được đánh đến khi nào thủng, cũng là lúc những đôi trai gái tìm đến nhau trong ánh mắt e ấp, nụ cười bẽn lẽn, cùng hẹn ước cho những ngày sau.
Lễ hội không chỉ là khoảnh khắc vui tươi trong năm, mà còn là sự kiện được người Ma Coong chuẩn bị từ rất lâu. Trước đó nhiều tháng, những chàng trai khỏe mạnh đã vào rừng sâu tìm cây chí cúp – loại cây quý có thân rỗng, phù hợp để làm tang trống. Tang trống này sẽ được sử dụng qua nhiều mùa lễ hội, đến khi hỏng mới thay thế. Da bịt trống là da của con trâu to nhất bản, được giết thịt từ nửa năm trước, phơi khô và bảo quản cẩn thận. Khi ngày hội đến, trai bản lại lấy tấm da đó bịt lên tang trống, dùng dây mây già néo chặt, giữ cho tiếng trống ngân vang mạnh mẽ nhất.
Cùng với trống, mâm cúng Giàng cũng được chuẩn bị công phu. Mỗi gia đình trong bản đều góp lễ vật: xôi, gà, măng rừng, hoa chuối, cá suối… Đặc biệt, không thể thiếu ché rượu cần nấu bằng men lá rừng, ủ trong những ngày dài để hương vị đậm đà nhất.
Lễ hội càng thêm ấm cúng khi cả 18 bản trong xã Thượng Trạch cùng chung tay chuẩn bị. Mỗi bản mang đến một mâm cúng, dâng lên Giàng lòng thành kính và ước vọng về một năm mới an lành. Dưới ánh lửa bập bùng, giữa tiếng trống vang dội, dân bản cùng nhau ca hát, nhảy múa suốt đêm. Và khi trống đã thủng, lễ hội khép lại, nhưng niềm vui, những lời hẹn ước vẫn còn vang vọng mãi trong lòng mỗi người.
Bảo tồn giá trị Lễ hội
Nhìn chung các lễ hội của đều hướng tới cầu an, cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa, ghi nhớ công ơn của tổ tiên. Tuy nhiên, mỗi một lễ hội đều có những cách thể hiện từ nghi thức, vật lễ khác nhau tùy theo tâm linh, tính ngưỡng của mỗi dân tộc hay tộc người. Ví như Lễ hội Đâm trâu của người Ba Na có nghi thức hiến tế trâu để tế thần linh, hay Lễ hội Cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên chú trọng đến âm nhạc và múa, trong khi Lễ hội Đập trống sử dụng nhịp trống liên tục như một phần chính yếu làm nên nét riêng biệt của cộng đồng người Ma-coong.
Lễ hội đập trống không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là biểu tượng của sự gắn kết chặt chẽ giữa con người với thần linh, giữa thiên nhiên với tín ngưỡng. Đây là sợi dây kết nối các thế hệ, gìn giữ bản sắc văn hóa và nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng vào một năm mới bình an, may mắn.
Việc bảo tồn Lễ hội Đập trống đóng vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa. Chính cộng đồng là chủ thể quyết định sự tồn tại và sức sống của lễ hội, từ khâu chuẩn bị lễ vật, thực hiện nghi thức, tổ chức sự kiện đến việc lựa chọn trang phục, trang trí không gian và sự tham gia của người dân. Khi cộng đồng ý thức và chủ động duy trì, lễ hội không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Ma-coong. Đặc biệt, việc tham gia lễ hội cần được nhìn nhận từ góc độ văn hóa bản địa, tránh xu hướng thành một hoạt động mang tính phong trào, mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có.
Tuệ Minh
Bình luận
Xem bình luận của khách hàng (Tổng cộng 2)
Do Thuy
15-02-2025
Nguyen Hung
15-02-2025
Cùng chuyên mục
26-04-2025
Ánh sáng trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc
20-04-2025
Về Đồng Hới – Chạm vào vị của biển
10-04-2025