Hai ngày trải nghiệm Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

02-10-2024

Trước đây, tôi thường được biết, Khe Sanh là biểu tượng của những mất mát đau thương trong chiến tranh với những trận chiến ác liệt, đặc biệt là Trận Khe Sanh năm 1968 đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh. Bạn Huy – người cùng đi với tôi trong đoàn, kể lại, hầu như mỗi tấc đất của vùng này đều lưu lại những vết tích của chiến tranh. Bom, đạn, quân giới, quân trang, máu và xương đã hòa vào trong mảnh đất đau thương này. Những vết thương chiến tranh được ghi lại tại sân bay Tà Cơn, Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo. Quá khứ là vậy, qua năm tháng, thiên nhiên ở đây đã phá hủy những tàn dư của chiến tranh, để làm hồi sinh sự sống tươi mới hơn, mạnh mẽ hơn trên vùng đất này. Khe Sanh ngày nay là một vùng đất quá giàu có cho những ai muốn thay đổi. Thiên nhiên đã ban cho vùng này một điều kiện khí hậu rất ôn hòa, đất đai giàu về dưỡng chất, nguồn nước đủ đầy, cảnh quan thiên nhiên trù phú. Ngay từ đầu tôi chọn điểm đến Khe Sanh – Hướng Hóa cho 2 ngày nghỉ cuối tuần, không chỉ vì điều kiện lý tưởng về khí hậu ở đây mà còn một lẽ là đường đi khá thuận lợi, từ Khe Sang đến Đông Hà khoảng 60 km về hướng Đông, cách sân bay Phú Bài tầm 4 giờ chạy xe, cách Sân bay Đồng Hới cũng tầm đó thời gian.

 

Thay đổi dựa vào thiên nhiên 

Sáng sớm ngày 28/9, chúng tôi được nhóm các bạn làm Du lịch nông nghiệp Khe Sanh dẫn đến đỉnh đồi có độ cao trên 800m so với mặt nước biển để săn mây. May mắn là thời tiết thuận lợi, sương mù ít, nắng và bầu trời quang đãng. Chúng tôi có cơ duyên khai phóng tầm mắt, bao quát cả khu vực. Núi non trùng trùng, san sát như xô đẩy nhau trong một khung cảnh bình yên. So với chỗ tôi đứng, có những ngọn núi còn cao hơn nhiều, có chừng trên 1500m. Có lẽ từ xa xưa nơi đây có những biến động địa chất mãnh liệt. Qua quan sát, tôi thấy núi ở đây phần lớn là núi đất, cũng có một số ngọn núi đá rất lộ. Anh Hưng, một thành viên trong đoàn, nhặt những viên đá có những tinh thể lấp lánh dưới ánh mặt trời, tôi chắc đây đá Sa thạch - một loại đá trong nhóm đá trầm tích; và có một số tảng đá rất mịn, màu xanh, có lẽ là đá biến chất… Theo các tài liệu nghiên cứu địa chất tại khu vực Hướng Hóa cho thấy sự hiện diện của các dạng địa hình đồi núi cao, sườn dốc và nhiều con suối, chứng minh quá trình kiến tạo nâng lên và xói mòn lâu dài. Đây là kết quả của các hoạt động kiến tạo diễn ra mạnh mẽ trong Kỷ Paleozoi muộn (Permi) và Kỷ Mesozoi (Trias và Jura), tương ứng với khoảng 250-200 triệu năm trước.  

 

Phong cảnh từ độ cao 815m. Ảnh: Tuệ Minh

 

Quá trình địa chất, cùng với địa hình và các yếu tố tự nhiên khác đã tạo nên các loại đất đặc trưng của vùng đất này.  Đất đỏ bazan chủ yếu phân bố ở khu vực phía Bắc huyện Hướng Hóa, đặc biệt là ở cao nguyên Khe Sanh và các xã như Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Hợp, và Khe Sanh. Đất phù sa phân bố chủ yếu dọc theo các con sông lớn như sông Sê Pôn và ở các vùng ven suối, khe nước của huyện Hướng Hóa. Những khu vực có đất phù sa nhiều nhất là các vùng thấp hơn, gần biên giới Việt-Lào. Đất xám trên nền đá granite xuất hiện ở các vùng cao hơn, đặc biệt ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc của Hướng Hóa, như các xã Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Sơn. Đây là những vùng có địa hình đồi núi cao, nơi đá granite chiếm ưu thế.

 

Điều kiện thời tiết khí hậu là điều đáng kể nhất. Theo bạn Huy thì khí trời ở đây mát mẻ, kể cả mùa hè, chênh lệch biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm có khi lên đến 10 độ C. Trong 2 ngày ở đây, tôi cảm nhận được cái dịu êm thời tiết, cái dưỡng khí của núi rừng. Do vậy, dù đã trải qua hành trình dài nhưng chỉ nghỉ ngơi trong chốc lát tôi đã có thêm nguồn năng lượng mới. Yếu tố để tạo nên khí hậu của một khu vực là như độ cao, thảm thực vật, vĩ độ, dòng hải lưu, mật độ sông suối… nhưng với Khe Sanh, Hướng Hóa, có lẽ, độ cao và thảm thực vật là nhân tố chính chi phối vùng này, tạo ra một vùng tiểu khí hậu mát mẽ lạ thường dù nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa.

 

Săn mây trên đỉnh núi Hướng Tân. Ảnh: Tuệ Minh

 

Hành trình dọc theo tuyến Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tôi thấy rừng còn nhiều nguyên sơ, phần lớn là rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh. Rừng đây khá rậm rạp, nhiều cây gỗ lớn, nhiều loại cây thay lá tạo nên cảnh quan rất lạ vào mùa đông chuyển sang xuân, mà đặc trưng là cây Thích lá quế như loài như cây Phong ở vùng ôn đới. Chắc chắn rằng với sự phong phú về thảm thực vật sẽ là sinh cảnh tuyệt vời cho các loài động vật trú ngụ. Người dân bản địa ở đây cho biết, vùng này còn rất nhiều quần thể như Voọc chà vá, Voọc má trằng, Bò tót, gấu, Thỏ rừng, Sơn dương, và nhiều loại chim muông. Mong rằng những giá trị tự nhiên được bảo tồn để duy trì sự cân bằng làm cho Trái đất luôn có sự đa dạng, hạn chế phần nào hậu quả của biến đổi khí hậu.

 

Qua những cánh rừng, chúng tôi bắt gặp những con sông, thác nước, hồ chứa nằm trong địa phận Khe Sanh, Hướng Hóa. Sông Sê Pôn là con sông lớn nhất trong khu vực, chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Lào và có vai trò cung cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt cũng như điều tiết lũ lụt. Các suối lớn như suối La La và suối Tà Puồng cũng có vai trò quan trọng trong hệ thống thủy lợi và cấp nước cho các xã vùng cao. Khu vực này còn có hồ Bản Chùa, một hồ chứa nước lớn giúp điều tiết nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu tác động của hạn hán. Ngoài ra, các thác nước như thác Tà Puồng và thác Chênh Vênh không chỉ có giá trị thủy văn mà còn là điểm đến du lịch sinh thái quan trọng.

 

Café Khe Sanh – Hướng Hóa

Thổ nhưỡng, khí hậu là 2 yếu tố làm nên chất lượng café. Với độ cao trung bình độ cao từ 400-600 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm và đất đỏ bazan màu mỡ, đã tạo ra môi trường lý tưởng cho cây cà phê phát triển. Theo bạn Cương, một người quản lý Farm ở Hướng Hóa, cho biết, khoảng những năm 1920 người Pháp bắt đầu trồng cà phê ở vùng đất này, hiện nay vẫn còn dấu tích của đồn điền xưa. Theo đánh giá của giới cà phê, giống Liberica trồng ở Hướng Hóa cho chất lượng tốt nhất Việt Nam.

 

Thăm trang trại cafe ở Hướng Phùng. Ảnh: Tuệ Minh

 

Ngày nay, ở đây có nhiều trang trại, với nhiều dòng của giống Arabica như Catimo, Katuai. Cà phê Khe Sanh có hương vị rất đặc trưng, khác biệt so với các loại cà phê ở những vùng khác. Cà phê Arabica thường có hương thơm dịu nhẹ, với độ chua thanh tao, không quá đắng và mang lại cảm giác sảng khoái khi thưởng thức. Cà phê Liberica mang đến một sự cân bằng tuyệt vời giữa độ đậm đà và hương vị nhẹ nhàng, tạo nên trải nghiệm cà phê hoàn hảo cho những ai yêu thích cà phê chất lượng cao. Đến trang trại bạn được thưởng thức hương vị café nguyên chất được chính chủ trang trại pha chế - quả là  trải nghiệm thưởng thức đầy ấn tượng.

 

Thưởng thức cafe đặc sản Khe Sanh thơm ngon trên đồi Hướng Tân. Ảnh: Huy Võ

 

Du lịch nông nghiệp hướng bền vững 

Du lịch nông nghiệp là mô hình phát triển bền vững kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khe Sanh - Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, với khí hậu mát mẻ và đất đỏ bazan màu mỡ, là một điểm đến nổi bật về du lịch nông nghiệp, đặc biệt với cà phê chất lượng cao. 

 

Chúng tôi được sờ tận tay từng hạt cà phê nguyên chất. Ảnh: Tuệ Minh

 

Trong các dịp đến thăm Đà Lạt, tôi thấy, Khe Sanh – Hướng Hóa có nhiều điểm tương đồng về điều kiện khí hậu nhưng lại giữ được nét hoang sơ, tập trung hơn vào sản xuất truyền thống. Đà Lạt nổi tiếng với mô hình kết hợp trồng rau củ và hoa, trong khi Khe Sanh tập trung vào phát triển cà phê, giúp xây dựng thương hiệu riêng. Mặc dù quy mô phát triển du lịch tại Đà Lạt lớn hơn, Khe Sanh vẫn giữ được nét tự nhiên và thân thiện hơn với môi trường.

 

Tôi có thời gian ở Nhật theo chương trình Đồng sáng tạo của Nhật Bản do JICA tài trợ, tôi đã đi đến nhiều nơi. Đặc biệt là mô hình du lịch nông nghiệp tại Hokkaido, nơi sử dụng công nghệ cao trong nông nghiệp kết hợp du lịch, Khe Sanh vẫn mang đậm nét truyền thống với phương thức sản xuất ít công nghệ nhưng lại gần gũi với thiên nhiên. 

 

Mô hình Du lịch nông nghiệp là sự chọn lựa phù hợp, bởi lẽ, góp phần phát triển kinh tế địa phương bằng cách tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bảo vệ tài nguyên đất và giúp quảng bá sản phẩm địa phương. Đồng thời, mô hình này giúp duy trì phương thức canh tác truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

 

Khe Sanh Valley Farmstay. Ảnh: Tuệ Minh 

 

Trong 2 ngày ở Khe Sanh - Hướng Hóa, tôi nhận thấy ở đây không những có nhiều các di tích lịch sử, các giá trị tài nguyên văn hóa và thiên nhiên mà còn là một vùng đất giàu tiềm năng cho du lịch nông nghiệp bền vững. Sự kết hợp giữa điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với các giá trị văn hóa, lịch sử và sản xuất nông nghiệp tạo nên một điểm đến độc đáo. Đối với việc thiết kế quy hoạch phát triển chọn yếu tố du lịch nông nghiệp làm chủ đạo sẽ phù hợp với năng lực sẵn có cũng như xu hướng của thế giới. 

 

Tác giả: Tuệ Minh

 

Bình luận

Xem bình luận của khách hàng (Tổng cộng 2)

Lê Tuấn Khang

07-01-2025

Đi miền trung nhiều rồi mà chưa đi Khe Sanh, có vẻ đáng để thử nhỉ

Le Am

27-12-2024

Rất đậm đà