Nghệ An - Non nước hữu tình
16-05-2024
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học. Nghệ An còn là mảnh đất đã sản sinh nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân lịch sử cho đất nước. Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Lịch Sử
Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Từ đó, danh xưng Nghệ An trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay. Tháng 11/2020, Nghệ An đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An; khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang của địa phương.
Thiên nhiên và Văn hóa
Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của Nghệ An khá đa dạng, trong đó nổi bật là hệ thống rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây Nghệ An, hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á (hơn 1300km2 mà vùng lõi là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt) đã được được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007.
Bên cạnh đó, Nghệ An còn có hệ thống hang động tương đối phong phú, độc đáo, trong đó có một số hang động đã phát hiện được các di tích khảo cổ về cuộc sống của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm như: hang Thẩm Ồm, hang Cỏ Ngùn (Quỳ Châu), hang Poòng (Quỳ Hợp),...
Bờ biển Nghệ An dài trên 82 km, phẳng, cát trắng mịn, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, số lượng giờ nắng nhiều, thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh với nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành…
Ngoài ra, Nghệ An còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Nghệ An phong phú về số lượng và thể loại... nổi bật là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Kim Liên - Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra, Nghệ An còn có nhiều di tích để phát triển loại hình du lịch tâm linh như ba ngôi Đền nằm trong tứ linh Tự nổi tiếng của Xứ Nghệ “Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng” trong đó có Đền Cờn - thờ Tứ vị Thánh Nương nổi tiếng thiêng từng được 2 Vị Vua của 2 triều đại Trần - Lê ghé chân trên đường đi Nam chinh đánh giặc và ban tặng sắc phong hay Đền thờ và Mộ Đức Thánh Hoàng Mười, Đền Cuông... Ngoài ra còn có Đền Quang Trung, Đền thờ và Miếu Mộ Vua Mai Hắc Đế, chùa Đại Tuệ…
Cũng như các tỉnh khác của Việt Nam, Nghệ An có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ riêng. Vì vậy, Nghệ An có nền văn hóa dân gian phong phú đặc sắc với âm nhạc dân gian, các phong tục, các tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực… Đặc biệt, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các điểm đến
-Khu di tích lịch sử Kim Liên : Khu di tích lịch sử này lưu giữ rất nhiều kỷ vật, không gian tuổi thơ của bác giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống và nơi mà bác đã sinh ra và lớn lên. Toàn bộ khu di tích lịch sử Kim Liên được chia thành bốn phân khu chính gồm quê nội bác làng Sen, quê ngoại làng Hoàng Trù, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu trưng bày và phần mộ bà Hoàng Thị Loan - mẹ ruột bác. Mỗi người cũng di tích đều đem đến cho bạn những trải nghiệm khó quên.bạn sẽ càng thêm kính mến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và yêu hơn vẻ đẹp, những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất này.
-Biển Cửa Lò:điểm nổi bật của bãi biển này chính là đường bờ cát dài và độ sâu dần đều, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tắm biển, thư giãn trên những bãi cát sạch trải dài bên bờ biển. Biển Cửa Lò Nghệ An cũng là nơi tập trung của nhiều hoạt động giải trí và thư giãn như chạy mô tô nước, bay khinh khí cầu, đi bộ dọc bãi biển, ngắm sao trên bãi biển, đi thuyền thúng câu mực về đêm và nhiều hoạt động khác. Điều này tạo điều kiện cho du khách có thể tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn và giải trí đầy thú vị
-Vườn Quốc gia Pù Mát: Đây là một trong những khu rừng quốc gia sở hữu nhiều động thực vật quý hiếm nhất cả nước với diện tích tự nhiên lên tới 194.000ha, trong đó vùng bảo tồn là 94.000 ha và vùng đệm là 100.000 ha. Đến với vườn quốc gia Pù Mát, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt các loài thực vật với những hình dáng kì lạ hay những cây cổ thụ to lớn nhiều người ôm không xuể,… Đến vườn quốc gia Pù Mát, du khách cũng không thể bỏ qua thác nước Kèm hùng vĩ, nước chảy rì rầm quanh năm. Đặt chân đến Pù Mát, bạn nhất định phải đi tản bộ trong rừng ngắm khung cảnh thiên nhiên hoang dã, tận hưởng không khí trong lành.
-Đồi chè Thanh Chương: nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh và thuộc xã Thanh An, An Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An. Địa điểm này nằm cách trung tâm tính từ thành phố Vinh khoảng 50km và cách bãi biển nổi tiếng Cửa Lò khoảng chừng 70km. Chè ở Thanh Chương tỉnh Nghệ An được trồng ở trên các đảo nhỏ. Toàn bộ ốc đảo này sẽ được bao quanh bởi một hệ thống đất nước có diện tích rộng khoảng 80ha. nếu chiêm ngưỡng từ trên cao xuống bạn sẽ được nhìn ngắm một màu xanh ngát của núi rừng, màu xanh của những đồi chè dài bất tận và màu xanh của nước nơi đây.
-Cột mốc Km số 0: Cột mốc số 0 ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An là điểm xuất phát của con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại chi viện cho chiến trường miền Nam. Hiện cột mốc được sửa sang lại, khuôn viên có diện tích rộng 600m2 với nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh.
-Đền thờ Ông Hoàng Mười: nằm ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, cách trung tâm TP Vinh khoảng 3km. Nơi đây thờ ông Hoàng Mười - Thái úy Vĩ Quốc Công, một danh tướng nhà Lê, người gốc Nghệ An. Cách đền gần 100 m về phía đông là phần mộ Đức ông, đây chính là điểm đặc biệt riêng mà chỉ đền thờ Đức ông Hoàng Mười tại Nghệ An mới có. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.
Ẩm thực
Súp lươn : Nếu bạn đang tìm kiếm những món đặc sản Nghệ An độc đáo thì chắc chắn phải thử qua súp lươn. Với vị ngọt và béo rất lạ của thịt lươn làm nước lèo ăn kèm các loại rau thơm dân giã như mùi tàu, hành tăm… món ăn độc đáo này sẽ khiến bạn vấn vương nhớ mãi.
Bánh mướt Vinh: Bánh mướt được làm bằng bột gạo tẻ ngâm nước lâu, sau đó vớt ra xay nhuyễn, ủ trong nhiều giờ. Bánh thường được làm vào những buổi sáng sớm để kịp cung cấp cho khách, không thể mang đi xa và chỉ dùng trong ngày. Thực khách thưởng thức bánh chỉ cần chấm với nước mắm pha chanh, ớt, có thể ăn kèm thịt nướng, chả lụa
Thịt chuột : Đây là một trong những món ăn độc đáo bạn nên thử khi đi du lịch Nghệ An. Chuột đồng được người dân địa phương bắt và sơ chế sạch sẽ, bỏ đầu, đuôi và da. Phần thân chuột sẽ được chế biến thành nhiều món ăn với đủ các hương vị độc đáo như xào lăn, nướng than hoa… Đây cũng là một trong những món ăn đặc sản Yên Thành Nghệ An “sang chảnh” dùng để tiếp đón khách quý tới nhà của người dân địa phương nơi đây.
Mực nháy Cửa Lò: Mực nháy có nhiều cách chế biến, như nướng luôn trên tán đèn măng sông. Mực tươi nướng lên vừa thơm, giòn và ngọt, phù hợp chấm với tương ớt hoặc muối tiêu pha chanh. Mực luộc cũng là cách ăn thông dụng nhưng không lạ miệng bằng ăn tái. Du khách có thể cầm mực nhúng vào nồi nước đang sôi trong chốc lát rồi vớt ra thưởng thức.
Lễ Hội
Lễ hội đền Cờn Nghệ An: là một trong những hoạt động nhằm tưởng nhớ đức Thánh Mẫu và tứ vị Thánh Nương – những người đã phù hộ, bảo vệ cho người dân vượt qua hiểm nguy, làm ăn thịnh vượng. Theo truyền thuyết, chính những vị thần này cũng đã nhiều lần giúp đỡ quân nhà Lê, nhà Trần vượt biển thành công. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng văn hóa, kèm theo đó là nhiều hoạt động trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, chọi gà, đánh cờ người…
Hội Vật Cù Thanh Chương: là một trong các lễ hội truyền thống ở Nghệ An. Vào những ngày đầu xuân năm mới, khi nghe âm thanh của tiếng trống hội, người dân xứ Nghệ lại nô nức rủ nhau đi xem hội vật. Lễ hội này đã có từ rất lâu đời, ban đầu mục đích tuyển chọn những lực sĩ khỏe mạnh để đầu quân cho tướng Phan Đàn. Ngày nay, lễ hội được tổ chức nhằm giúp cho người dân tham gia rèn luyện sức khỏe, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương. Trò vật cù thường được tổ chức trên một khoảng sân lớn, những thanh niên trai tráng sẽ được chia làm 2 bên, cởi trần, đóng khố. Có 3 hình thức chơi phổ biến đó là cù gôn, cù đẩy và cù nước.
Lễ hội đền Cuông: Đền Cuông là ngôi đền thờ An Dương Vương Thục Phán được nhân dân xây dựng, tọa lạc tại núi Mộ Dạ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đền Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 21-2-1975. Ngày nay, vào các ngày từ 12 đến 16-2 âm lịch hằng năm, nhân dân thường tổ chức lễ hội đền Cuông với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.
Lễ hội đền vua Mai : Hằng năm, cứ đến ngày 13 - 15 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Đền vua Mai với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam được tổ chức. Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ, ghi ơn công lao to lớn của vua Mai Hắc Đế cùng tướng lĩnh của ông trong cuộc khởi nghĩa chống ách độ hộ phương Bắc năm xưa
Gói thiết kế dịch vụ theo yêu cầu: Liên hệ với Phong Nha Việt để có giá tốt nhất
Hotline: 0911 367 789