Hotline: +84 911 367 789; Landphone: +84 232 3895789

10 món đặc sản không thể bỏ qua khi đến với Quảng Bình

10:17:5221/04/2017

Quảng Bình không chỉ có những hang động tuyệt đẹp, núi rừng kỳ vĩ và những bãi biển trải dài ngút mắt, mà còn có cả những món đặc sản mà bạn không thể nào bỏ qua khi đến với nơi này.

Đến Quảng Bình là đến với thế giới hải sản tươi sống . Tín đồ của hải sản sẽ được tha hồ thưởng thức những con cá, mực, tôm, cua… tươi ngon nhất.Bên cạnh đó còn có những món ăn mang phong vị đặc trưng của Quảng Bình:

 

1. Bánh lọc, bánh nậm

Bánh bột lọc - đặc sản Quảng Bình

Ban đầu khi nhìn thấy đĩa bánh bột lọc Quảng Bình, bạn có thể chưa thật sự ấn tượng, cho đến khi quyết định chan chút nước mắm và cho một miếng vào miệng để thưởng thức. Có hai loại bánh bột lọc bạn nên thử qua, đó là bột lọc trần và bột lọc gói lá. 

Để thực khách thưởng thức được những chiếc bánh thơm ngon, nóng hổi đòi hỏi không ít công sức và sự tinh tế của người thợ làm bánh. Nhân bánh được làm từ những con tôm nhỏ nằm ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng vừa mặn mòi vị biển, tôm được xào cùng thịt và mộc nhĩ thơm phức.

Bánh nậm làm từ bột gạo

Nếu như bánh bột lọc ấn tượng bởi độ dẻo giai được làm từ bột sắn thì bánh nậm lại hấp dẫn bởi vẻ mền mịn, thanh mát của bột gạo. Bóc lớp lá chuối nóng hổi, chấm một ít nước mắm pha loãng rồi thưởng thức, tất cả vị ngọt của tôm thịt, vị béo của bánh và vị đậm đà của nước mắm sẽ hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc sắc, khiến cho thực khách nhớ mãi không quên.

Bánh lọc, bánh nậm là sự kết hợp tinh tế giữa hương vị mỹ  trong khiếu ẩm thực của người Quảng Bình. Nếu có một lần đặt chân đến thành phố Đồng Hới, du khách đừng quên tìm và thưởng thức hương vị ẩm thực dân dã nhưng không kém phần cuốn hút tại Quán bánh mệ Xuân – đường Lê Thành Đồng.

 2. Cháo bánh canh

Cháo bánh canh thơm ngon

Bánh canh được làm từ bột gạo thơm, dẻo hạt và trắng tinh, đem xay nhào thành bột, cho cán mỏng rồi xắt thành từng lát, từng sóng như mì sợi. Dù đơn giản, nhưng để nấu được một nồi bánh canh Quảng Bình cũng khá công phu. Nguyên liệu chính của món này là sườn heo và tôm tươi, loại tôm sống ở đầm, cho thịt đậm đà, đặc biệt là không tanh.

Sau khi ướp gia vị, bạn xào sườn, xào tôm với hành phi, cho chín tới, đảm bảo miếng sườn béo ngậy, không bị khô, tôm thì giữ được màu đỏ hồng và độ giòn. Một bí quyết nữa làm nên sức hấp dẫn của tô bánh canh Quảng Bình chính là chén nước mắm ớt được pha chế đơn giản. Chỉ cần một chén nhỏ nước mắm cốt, thêm một vài lát ớt xanh thơm hăng hăng là có thứ gia vị ngon lành.

Điều quan trọng làm nên hương vị của món bánh canh bột lọc chính là nước dùng. Nêm các thứ gia vị xong phủ thêm một lớp nước mầu, ớt bột, dầu thực phẩm… khi thấy nước sôi đủ độ thì cắt những con bột thả vào. Lửa để cháy liu riu cho nồi bánh canh lúc nào cũng nóng, không để lửa cao sẽ mềm sợi bột.

Sau khi trần bột  khoảng 2 phút, ta vớt ra tô. Cùng với tôm, sườn, bạn chan nước dùng rồi rắc thêm ít hành thơm, ngò, tiêu ớt… Khi bạn mở nắp nồi bánh canh lên, mùi nước dùng tỏa ra thơm ngào ngạt, sự hòa quyện giữa mùi bột, chả tôm, cua, thịt, hành và bát bánh canh thật quyến rũ với sắc hồng, xanh, vàng, trắng, nâu… lấp lánh trông sẽ rất bắt mắt.


Khi ăn người Quảng Bình hay ăn kèm với  ram, còn các nơi khác hay ăn kèm với chả hoặc nem chua. Đó chính là đặc sắc của Quảng Bình với món cháo bánh canh. Hãy thử những quán như: Quán Sơn Thu – đường Phan Bội Châu, Quán Sương Hồng – đường Nguyễn Hữu Cảnh…, một tô giá giao động từ 15k đến 20k.

 3. Bánh xèo Quảng Bình làm từ gạo lức

Bánh xèo gạo lứt

Cũng là bánh Xèo, nhưng bánh Xèo Quảng Bình được làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản. Ăn kèm với cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời. Món này ăn ở chợ trường (xã Quảng Hòa, Huyện Quảng Trạch) hoặc chợ Ba Đồn là ngon nhất tuy nhiên ở Đồng Hới bạn có thể xơi món này ở Chợ Nam Lý mà dân địa phương thường gọi là Chợ Ga rất đơn vì nó gần Ga Đồng Hới, bạn cũng có thể ăn Bánh lọc trần, Bánh lọc lá hay bánh Nậm ở đây luôn.

       Đặc biệt muốn thưởng thức Đặc sản Biển tươi ngon của Quảng Bình quý vị có thể tới các nhà hàng Biển như Nhà hàng Đức hạnh, Nhà hàng Sơn Hạnh, Nhà hàng Phương Mận, Nhà hàng Cánh buồm đỏ, Nhà hàng Hải Yến….

 4. Lẩu cá khoai:

Cá khoai - một loại cá đặc sản của Quảng Bình

Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.

Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi. Vừa nói năm ba câu chuyện, nồi nước đã sôi sùng sục trên ngọn lửa mạnh, lúc này mới gắp cá cho vào. Không nên cho hết cá vào nồi cùng lúc; một người ăn hai khúc một lượt, cứ cộng lại rồi cho vào, hết lượt này đến lượt khác. Không để cá quá chín vì sẽ nát ra và mất hết chất; chỉ cần sôi lên một chút là vớt ra chén. Ăn ngay sau khi bớt nóng, đừng để nguội cá sẽ tanh.

 5. Đẻn biển:

Ram đẻn

Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách “thích mê” trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ. Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó.

6. Ốc gạo:

Ốc gạo - nhỏ nhưng có võ

Ốc gạo, hay còn gọi là ốc ruốc, ốc ngũ sắc, một loại ốc phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi. Ốc có nhiều màu như hồng, đỏ, nâu, trắng với hoa văn đẹp trên mình, vỏ ốc thường được dùng làm đồ mĩ nghệ, vòng vèo Ít ai nghĩ ốc gạo là một loại ẩm thực vì ốc bé như cúc áo, nên người ta những tưởng “làm gì có gì mà ăn”, thế nhưng, khi đã nếm thử loại ốc này, khó ai có thể quên được hương vị của biển miền Trung. 

Ốc ruốc không phải luộc như bình thường mà được nêm muối, bột ngọt, lá chanh, ớt, thêm chút nước để xào nhanh với dầu ăn. Người làm phải thật khéo léo nếu không muốn ốc teo hết thịt, vừa khó nhể, vừa không giòn và ngọt. Muốn thưởng thức ốc ruốc, các bạn nên thăm Quảng Bình từ tháng Hai đến tháng Tư – mùa ốc ruốc duy nhất trong năm. Ốc ruốc bán theo lon, mỗi lon cũng chỉ mấy ngàn đồng, ăn không ngán mà… mỏi tay.

Người ta kiên nhẩn nhể từng con ốc chỉ bằng cái cúc áo để lôi ra cái ruột bé tí teo, chỉ như cái tăm để cảm nhận hết vị ngon thơm lạ lùng của giống này.

7. Chắt chắt bánh tráng

Chắt chắt - mặn mà vị biển

Chắt chắt là tên gọi một loại hến ở cửa sông. Chắt chắt rửa kĩ, luộc qua cho há vỏ, lấy nhân làm món chắt chắt bánh tráng rất ngon. Thịt chắt chắt cho gia vị đầy đủ, xào qua với dầu ăn, đem xúc bánh tráng như kiểu hến xúc bánh tráng ở Huế. Nhưng vị của chắt chắt lạ hơn do nó sinh ra ở nơi giao thoa giữa nước ngọt và mặn.

Khi ăn, không cần muỗng chén, chỉ cần bẻ bánh tráng cầm xúc chắt chắt, cho lên miệng kèm miếng rau thơm là đủ. Cái giòn thơm mùi vừng của bánh tráng, beo béo đậm đà của gia vị, dai dai, ngầy ngậy của chắt chắt thật khiến người ta khó kiềm lòng.

 8. Ruốc Quảng Bình

Ruốc tháng 6 - ngọt ngào và đậm đà

Con ruốc, người miền Bắc gọi là moi, người trong Nam gọi là con khuyếc, thuộc loại nhuyễn thể, họ hàng với tôm tép. Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất.

Muối ruốc vào vại, chum. Muốn để lâu, khỏi sợ hư hỏng thì phải muối mặn, ví như một bát muối thì 5 hay 3 hay 6, 7 bát ruốc, tùy người muối. Muối ăn vội, cho ruốc ngon ngọt thì muối lạt, ví như một bát muối phải 10 bát ruốc, thậm chí gặp nắng tốt, có khi 12, 15 bát ruốc. Càng lạt, ruốc càng ngon, nhưng càng dễ thối.

Những loại ruốc lạt, thường được dùng như thức ăn hoàn chỉnh không qua khâu nấu nướng gì nữa. Những thứ ruốc mặn để lại hàng năm, thứ này thường để thay bột ngọt trong việc nấu nướng.

Trong bữa cơm của người lao động Đồng Hới khi nào cũng có món ruốc lạt, ăn với khế rành, loại khế vừa ngọt vừa chua. Đó là một món ăn rẻ tiền nhưng lại có sức quyến rủ rất kỳ lạ. Ruốc ăn không với cơm! Hoặc cà với ruốc, hoặc thịt lợn luộc chấm ruốc, ăn với bún, với bánh đúc, đều là những món ăn tuyệt trần của ruốc đối với người nghèo Đồng Hới.

Tuy nhiên, không phải chỉ người nghèo ít tiền, ít phương tiện chế biến thức ăn mới dùng ruốc làm món chủ lực mà đến cả người giàu sang, cả các quan lại cao cấp và cá biệt còn cả người Pháp cũng mê ruốc lạt.

Bên cạnh ruốc còn có nước mắm ruốc. Muốn lấy nước mắm ruốc thì khoét một lỗ bằng cái bát (hoặc nhận cái bát vào) giữa bề mặt vại chỉ vài giờ sau sẽ có một nửa bát nước mắm. Nước mắm ruốc tuy không ngon thơm như nước mắm cá, song ngọt và đậm đà hơn nước mắm cá, và nó cũng là món ’’đặc sản’’ trong khoa ẩm thực của những người sành ăn ở Đồng Hới.

9. Canh nấm tràm

Nấm tràm - khó ăn nhưng gây nghiện

Ở chợ Đồng Hới (Quảng Bình) luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Theo những người bán nấm tràm, thì loại nấm này không phải nơi nào và mùa nào cũng có. Nấm tràm thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối, có hình tròn như quả trứng gà, nhìn béo múp, có màu tím đậm; những cây lớn hơn có màu nâu tím – màu của những trái sim vừa chuyển màu, sắp chín; những cây nấm đã già thì chỉ còn lại màu nâu thẫm. Mỗi năm, nấm tràm chỉ có hai mùa vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch. Gọi là mùa vậy thôi, nhưng thực ra thời gian rất ngắn ngủi, chỉ độ khoảng dăm bảy ngày sau mỗi đợt mưa.

Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, nấm tràm có thể chế biến được nhiều món như nấu cháo, xào với các thực phẩm khác, nhưng có lẽ món ăn phổ biến, quen thuộc nhất với người dân Quảng Bình vẫn là canh nấm tràm. Canh nấm tràm có thể nấu với nhiều loại rau khác nhau, nhưng người ta thường nấu với rau khoai lang hoặc rau muống bởi vị thanh mát của thứ rau này làm giảm đi phần nào vị đắng.

 10. Lẩu cá Nghéo

Cá nghéo - món ngon hiếm có

Cá nghéo cùng họ với cá mập. Cá nghéo ngon nhất là loại cá bào tử. Vì là cá bao tử lại hiếm khi bắt được, nên cá nghéo (cá em) vô giá, không bao giờ bán ra thị trường mà chỉ dành để ngư phủ nấu cháo ăn bồi dưỡng, nấu lẩu thết đãi người thân và bạn bè nhâm nhi. Nếu bạn là du khách, về thăm chơi vùng biển Đồng Hới – Quảng Bình, gặp dịp đánh bắt được cá nghéo, thế nào bạn cũng được dân biển thết đãi lẩu hoặc cháo cá nghéo.

Cá nghéo ngon nhất là con nặng cỡ 1-2 ký. Mỗi cá mẹ có từ 3-4 đến 9-10 cá con trong bụng. Những ngư dân quen với nghề có thể nhìn bụng cá mẹ mà đoán số lượng cá em có trong đó, chính xác đến 90 %. Mổ lấy cá em ra, muốn ăn, người ta nhúng sơ cá vào nước nóng già rồi nhẹ nhàng cạo cho hết lớp nhám bên ngoài, gọi là "làm lông". Chớ để lâu trong nước sôi và cạo mạnh sẽ bong mất lớp da, vì đó là một trong những "sự ngon" của cá nghéo.

Lọc thịt hai bên mình cá để làm lẩu, còn đầu, xương, lòng cá cho vào nồi cháo. Thịt cá thái mỏng như thịt bò, ướp gia vị và mắm muối cho đậm đà khoảng nửa giờ. Nước lẩu có thể dùng nước ăn bình thường. Nếu có điều kiện dùng nước dừa nạo hoặc vài chai xá xị thì tuyệt ngon. Nấu nước sôi, cho cà chua và trái thơm làm nước chan bún. Khi ăn, người ta nhúng cá vào nước lẩu, chỉ cần nhúng tái rồi cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm ớt tỏi nhâm nhi cùng rượu Bàu Đá. Thịt cá nghéo thơm, săn chắc như thịt bò chứ không mềm nhẽo như các loại cá khác. Hết cá rồi thì mời các vị xơi bún chan nước lẩu cho thêm chắc dạ.

Lẩu cá nghéo, nghe tên thì lạ nhưng được về miền biển thưởng thức một lần, chắc không dễ gì quên.